Trong những chuyến công du nước ngoài, nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn được vây quanh bởi đội cận vệ tinh nhuệ, bên cạnh công tác hậu cần vô cùng công phu. Lực Lượng Vệ Sĩ Lá Chắn Sống bảo vệ ông Kim Jong Un
Ri Yong Guk, một người Triều Tiên đào tẩu, tiết lộ cố lãnh đạo Kim Jong Il, bố của ông Kim Jong Un, thường được bảo vệ bởi ít nhất sáu lớp đặc vụ. Đó chỉ mới là những chuyến đi thăm và làm việc tại Triều Tiên, ở các đơn vị quân sự hay nông trại.
“Ông ấy được bảo vệ bởi một trong những mạng lưới an ninh dày đặc nhất trên thế giới. Ngay cả con kiến cũng khó lòng chui lọt”, ông Ri mô tả trong hồi ký được xuất bản năm 2013.
Sự bảo vệ dành cho ông Kim Jong Un hiện được đánh giá có mức độ tổ chức cao hơn so với trước, theo Straits Times. Trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng vũ trang tháng 2/2018, ba đơn vị an ninh dành riêng cho việc bảo vệ ông Kim đã diễu hành trên đường phố Bình Nhưỡng.
Chiến thuật “lá chắn sống”
Khi ông Kim Jong Un bước chân đến biên giới liên Triều vào ngày 27/4/2018, ông được hộ thống bởi một đội hình cận vệ đông kịt.
Tất cả những đặc vụ Triều Tiên bảo vệ ông Kim được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe, mức thiện xạ, võ thuật và cả vẻ bề ngoài. Cận vệ luôn di chuyển theo đội hình chắn trước mặt và vây quanh ông Kim Jong Un. Họ như hợp thành một lá chắn sống với bán kính vài mét.
Chiến thuật “lá chắn sống” này cũng được duy trì khi ông Kim Jong Un di chuyển chậm bằng xe ôtô đặc dụng. Các cận vệ sẽ xếp đội hình quanh xe và chạy bộ tháp tùng. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với ống kính truyền thông trong hơn một năm qua khi ông Kim đẩy mạnh hoạt động ngoại giao.
Theo nhà phân tích Michael Madden của BBC, đội hình cận vệ của ông Kim luôn được chia thành ba lớp.
Nhóm thân cận nhất thuộc “Văn phòng Trung ương số Sáu”. Các thành viên nhóm đi ngay phía trước ông Kim gồm từ ba đến năm cận vệ, trong đó bao gồm cả đội trưởng an ninh. Đi song song với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có khoảng bốn đến sáu cận vệ được chia đều mỗi bên. Còn đội bọc hậu phía sau gồm bốn đến năm người.
Những lớp bảo vệ thứ hai và thứ ba của ông Kim Jong Un được giao phó cho Bộ tư lệnh Vệ binh. Cơ quan này chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho văn phòng, tư dinh và những địa điểm mà ông Kim đến thăm.
Ngoài ra, Bộ tư lệnh Vệ binh cũng đảm trách công tác chuẩn bị kỹ thuật và hậu cần, đặc biệt là những đồ dùng dành riêng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bút ký tên, bồn vệ sinh cũng dùng riêng
Tại cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore tháng 6/2018, đội hậu cần đã chuẩn bị sẵn bút trên bàn ký kết tuyên bố chung.
Cả hai nhà lãnh đạo được bố trí bút đen mạ vàng với chữ ký của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông Kim Jong Un lại sử dụng bút riêng.
Trong một đoạn video trước lễ ký kết, một đặc vụ được nhìn thấy đang lau chùi kỹ lưỡng cây bút được phía Mỹ chuẩn bị. Sau đó, ngay trước khi hai nhà lãnh đạo ký tuyên bố chung, cô em gái Kim Yo Jong kín đáo đưa cho ông Kim Jong Un một cây bút khác được lấy từ áo khoác.
Trước đó, trong lễ ký kết tuyên bố chung liên Triều tháng 4/2018, cánh truyền thông cũng bắt gặp hình ảnh ông Kim Jong Un dùng bút của em gái. Cận vệ của ông Kim sau đó lau sạch cây bút được ông sử dụng.
Trong khi đó, theo nhà phân tích Tim Stanley của Telegraph, việc đổi bút vào phút cuối có thể nhằm tránh nguy cơ bị ám sát bằng chất độc.
Để tránh mọi nguy cơ bị đầu độc hoặc để lộ thông tin về tình hình sức khỏe, ông Kim Jong Un khi ra nước ngoài sẽ có đầu bếp riêng tháp tùng, theo Chae Kyou Chir, lãnh đạo hãng an ninh Top Guard của Hàn Quốc.
Thực phẩm, thức uống và thuốc lá mà ông Kim được mời trước tiên phải qua vòng kiểm tra của Bộ tư lệnh Vệ binh. Đơn vị này cũng có một êkíp bác sĩ và nhân viên y tế dành riêng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Cấp độ bảo vệ ông Kim Jong Un nghiêm ngặt đến mức từng có thông tin cho rằng đội hậu cần mang theo cả bồn vệ sinh riêng cho nhà lãnh đạo khi ông công du nước ngoài.
Lee Yun Keol, một quân nhân Triều Tiên đào tẩu từng phục vụ trong Bộ tư lệnh Vệ binh, nói biện pháp an ninh này từng được sử dụng dưới thời ông Kim Jong Il.
“Lãnh đạo Triều Tiên hiếm khi sử dụng nhà vệ sinh chung. Đoàn hậu cần thường mang theo bồn vệ sinh riêng cho lãnh đạo mỗi lần xuất ngoại”, ông trả lời Washington Post năm 2005.
An toàn tối đa khi di chuyển
Các phương án di chuyển của nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được đảm bảo an ninh tối đa.
Trong lần đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, ông Kim Jong Un chọn thuê máy bay Boeing 747 từ chính phủ Trung Quốc. Máy bay đã sử dụng lộ trình đi qua đất liền với quãng đường dài hơn. Máy bay chọn hướng đi qua Bắc Kinh để tăng khả năng bảo vệ lãnh đạo, thay vì qua Thượng Hải và phải bay trên biển Hoàng Hải.
Phía Triều Tiên thậm chí tổ chức hai máy bay hoạt động theo dạng “chim mồi”, di chuyển cùng đợt với máy bay của ông Kim Jong Un. Người em gái Kim Yo Jong thì được sắp xếp trên một chuyến bay khởi hành trễ hơn vài tiếng.
Ôtô đặc dụng chở nhà lãnh đạo cũng được lựa chọn kỹ lưỡng. Theo phân tích vừa được trang NK Pro công bố đầu tháng 2, Triều Tiên dường như vừa mua một siêu xe Mercedes-Maybach 600 để ông Kim sử dụng.
Hình ảnh chiếc xe này đã được hé lộ trên truyền hình Triều Tiên, trong đoạn video ông Kim đến dự họp với Trung ương đảng Lao động Triều Tiên (WPK) ngày 31/1. Các chuyên gia cho rằng ông Kim đã mua phiên bản bọc giáp hạng nặng “Guard” trong dòng xe Mercedes-Maybach 600, thuộc hãng Daimler.
Hãng xe Đức khẳng định mẫu xe bọc giáp của họ đạt cấp độ chống đạn và chống nổ cao nhất. Các chuyên gia đạn đạo của Daimler được yêu cầu bắn kiểm tra xe từ đủ mọi góc, sử dụng đạn cỡ lớn.
Xe được trang bị hàng loạt tính năng kỹ thuật đặc biệt, chống nổ từ dưới gầm xe, ngăn đạn xuyên phá vào băng ghế hành khách, đảm bảo khả năng tiếp tục di chuyển sau một cuộc tấn công hạng nặng, theo Wall Street Journal.
Giá công bố của chiếc xe là hơn nửa triệu USD, nhưng Triều Tiên có thể mất số tiền lớn hơn để vượt hàng rào cấm vận và đưa xe này đến Bình Nhưỡng.
Theo Zing.Vn